1. Thời khắc khó khăn với đại dịch Covid-19
Đây là thời khắc khó khăn nhất, cũng giống như lịch sử các cuộc chiến tranh thế giới đã giải quyết triệt để mâu thuẫn trong tiến trình phát triển của nhân loại, để tạo ra một thế giới khác, một tương lai mới… Tư duy như vậy thì đối diện với đại dịch Covid-19 toàn cầu đang trở thành cơ hội lớn để nhìn ra giá trị cốt lõi, tiềm năng thực sự của từng cá nhân và tổ chức, vươn lên, không phải sau mà ngay trong những ngày nằm nhà và cách ly vì đại dịch này.
Các chủ doanh nghiệp ngoài việc chủ động khắc phục khó khăn, tự cứu mình trước, còn cần có tâm thế tích cực tìm kiếm thị trường thay thế, đa dạng hóa sản phẩm.
Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để các đơn vị đổi mới phương thức kinh doanh, tự giải cứu chính mình bằng chiến lược khác, tạo lập hướng đi mới tận dụng các tiện ích thông minh của công nghệ 4.0. Những điều trước đây chúng ta vẫn còn trù trừ chưa quyết định vì bận và rối, lúc này sẽ sáng tỏ vì không còn lựa chọn khác ngoài việc phải chấp nhận “THAY ĐỔI”
Bài viết này từ một chuyên gia hàng đầu về chiến lược phát triển doanh nghiệp sẽ kể ra bằng những hành động đang “sát cánh, chung vai” cụ thể của mình với những doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam đang chao đảo, loay hoay tự cứu mình trong vòng xoáy khủng hoảng dịch bệnh.
Không phải là câu chuyện thần kỳ mà là những nỗ lực không mệt mỏi, ngày đêm trong mùa dịch với một tư duy và tâm thế khác, hy vọng sẽ góp phần tạo dựng một thế hệ tư duy mới cho một chương mới của lịch sử phát triển đất nước.
2. Thời khắc thay đổi lịch sử
“Đây là một thời khắc lịch sử, sẽ không còn gì giống như trước đây”
Có nhiều người hỏi tôi, khi nào thì dịch Covid-19 sẽ kết thúc và mọi việc sẽ trở lại bình thường? Câu trả lời của tôi là “không bao giờ”. Lịch sử loài người qua các thời đại, nhiều cuộc chiến tranh, thiên tai hủy diệt, đã, đang và sẽ chứng kiến những thời khắc đánh dấu bước rẽ của tương lai. Chúng ta gọi đó là thời khắc chia đôi ngả vươn lên hay còn ở lại khủng hoảng trầm trọng, hiện tại đang chính là thời khắc này.
Gần 4 tháng vừa qua, đại dịch Covid-19 đang gây thiệt hại trên toàn thế giới và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nó không giới hạn ngành nghề, phạm vi, lĩnh vực hay các quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam và toàn cầu cũng chịu ảnh hưởng nặng nề và nhiều thiệt hại lớn. Tuy nhiên, xét về ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực cũng như mức độ tác động thì còn phụ thuộc vào ngành nghề cụ thể. Ai có thể cứu chúng ta lúc này ngoài chính chúng ta?
Có thể nói những ngành đang nhận được ảnh hưởng tích cực “không mong đợi” từ Covid-19 đó là y tế, dược, thực phẩm, thương mại điện tử và chuỗi cung ứng, chuyển phát, bán lẻ,… Những nhu cầu thiết yếu của con người như ăn, mặc, ở sẽ lên ngôi trước tiên sau đại dịch. Con người ngộ ra rằng những lúc như thế này, tiền và tài sản có nhiều mấy cũng chưa chắc mua được sự an toàn cho cá nhân nếu cả cộng đồng ngoài kia hoạn nạn, các đối thủ lúc này cần mở rộng vòng tay thành đối tác của nhau để cùng vượt qua hoạn nạn.
Trong giai đoạn này mối quan tâm chính của đa số là vật tư y tế (khẩu trang, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn…) và các nhu yếu phẩm. Ngoài ra, việc hạn chế đi lại cũng làm nhu cầu đặt và nhận hàng online tăng mạnh, ngành thương mại điện tử có cơ hội phát huy và chiếm chỗ đứng trong thói quen mua hàng của người tiêu dùng.
Theo cuộc khảo sát vừa được Infocus Mekong Research công bố, thương mại điện tử chỉ chiếm 5% giá trị bán lẻ trong năm 2019, đến 2020 hơn 76% người tiêu dùng mua sắm ít nhất một lần trong vòng ba tháng qua và đạt mức tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ.
Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến hành vi mua sắm, người tiêu dùng muốn tránh xa đám đông nhiều hơn, hạn chế đi đến siêu thị, trung tâm mua sắm, các dịch vụ trực tuyến vì thế sẽ ngày càng phát triển và thu hút thêm nhiều khách hàng mới đến dịch vụ của họ. Do đó, tăng trưởng trong ngành này sẽ có nhiều đột phá thời gian tới. Tương tự như vậy, các ngành khác sẽ phải xem xét, đánh giá lại tất cả các tác động từ toàn cầu đến nội tại từng doanh nghiệp để xác định xu thế và hướng đi sắp tới sẽ ra sao?
Công tác nghiên cứu và triển khai chiến lược một cách bài bản, chính xác trong lúc này lại quan trọng hơn bao giờ hết. Đã qua rồi kiểu làm ăn “hên-xui” và bốc thuốc theo cảm tính, lúc này đây, sự tính toán chiến lược nếu “sai một ly – sẽ đi một dặm” và khó có thể cứu vãn.
Covid-19 tác động rất tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó các lĩnh vực như là sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ đang phải gánh chịu những thiệt hại lớn nhất và một trong những ngành nghề điển hình của bài viết này đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn đó chính là ngành thời trang, may mặc.
Theo như tính toán nếu dịch Covid-19 kết thúc vào giữa tháng 5/2020 thì ngành dệt may Việt Nam có thể thiệt hại khoảng 11.000 tỷ đồng, trong đó từ 30 – 50% lao động cũng sẽ thiếu việc làm trong khoảng thời gian này?
Trong nhiều tháng qua, các doanh nghiệp thời trang và may mặc đang loay hoay tồn tại và tìm cho mình một lối đi riêng nhưng không phải ai cũng làm được. Đến thời điểm này một số doanh nghiệp lớn trong số đó đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động và thậm chí có những doanh nghiệp đã tuyên bố phá sản. Để vượt qua giai đoạn này nhiều đơn vị doanh nghiệp đã chủ động tìm cách tự cứu mình.
3. 5 chiến lược giúp Công ty thời trang GenViet “tự cứu chính mình”
Đứng trước tình thế nguy nan, ban lãnh đạo trong công ty và các cố vấn đã lao tâm khổ tứ tìm giải pháp “tự giải cứu” để “giảm đau kinh tế” và đây cũng là cơ hội cho GenViet vượt qua “cái bóng của chính mình”, đổi mới phương thức kinh doanh, “tự giải thoát” bằng các ứng dụng của công nghệ số của thời đại công nghệ 4.0.
Thứ nhất là tăng cường tần suất quản trị với EXCO và các tổ chuyên gia giàu kinh nghiệm nhất. Nhân duyên với GenViet như một định mệnh, trong những tháng chuẩn bị công tác tái cấu trúc từ cuối năm 2019 do kinh doanh giảm sút, tổ chuyên gia do tư vấn trưởng là tôi – Nguyễn Hữu Thái Hòa – được mời cùng tham gia quản trị với bộ máy thường trực EXCO giúp việc cho Tổng giám đốc Nguyễn Huy Dũng cùng điều hành công ty.
Thứ hai là tập trung đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống bán hàng online. Có thể nhận thấy, trong khi offline sụt giảm nghiêm trọng và “đóng băng” thì các chỉ số thương mại điện tử không có dấu hiệu bị ảnh hưởng. Cụ thể như việc đặt hàng qua Facebook, Website, Zalo… vẫn tăng 40%.
Thứ ba là xây dựng chương trình “giải cứu công ty” và “đội ngũ chiến binh” thời Covid-19. Như mọi doanh nghiệp, GenViet cũng tự giác cùng với tập thể cán bộ, nhân viên và lãnh đạo, chuyên gia tổ chức chương trình “giải cứu công ty” – tự cam kết cắt giảm lương theo định mức thu nhập, cao nhất là giảm 40 – 50% trong 2 tháng dịch để cứu công ty, giữ lấy công việc cho cả nghìn con người, quỹ dự phòng, bảo hiểm và mọi sự phòng thủ tốt nhất được tính đến để cùng quyết tâm cứu lấy doanh nghiệp.
Thứ tư là tái cấu trúc phong cách thời trang mùa dịch, lấy khẩu trang làm điểm nhấn. Đặc biệt với thế mạnh là thương hiệu chuyên về Jeans chúng tôi cho ra đời dòng sản phẩm khẩu trang thời trang Jeans kháng khuẩn, kháng nước và chống tia UV làm điểm nhấn mới lạ trên thị trường.
Thứ năm là chuyển từ hình thức làm việc tại văn phòng sang online làm việc tại nhà. Trước những khuyến cáo của Bộ Y tế và quy định của Thủ tướng Chính phủ cũng như chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà nội về việc tránh tiếp xúc nơi đông người như cơ quan, nơi làm việc để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng, các cơ sở làm việc đều phải chấp hành. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến sự đình trệ công việc của công ty. Vào lúc này, làm việc online được coi là bước đi sáng suốt đối với thực tại.
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của chuyên gia chiến lược Nguyễn Hữu Thái Hoà – nguyên Giám đốc chiến lược VNPT
Theo: TheLeader.vn